Trong môi trường kinh doanh phức tạp và cạnh tranh ngày nay, quản trị là yếu tố then chốt để đảm bảo sự thành công và phát triển của một doanh nghiệp. Trong bài viết này, hãy cùng HNCC tìm hiểu về 4 chức năng quản trị trong doanh nghiệp nhé.
Chức năng của quản trị là gì?
Quản trị là quá trình điều hành và tổ chức các hoạt động trong một doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh. Chức năng của quản trị bao gồm các hoạt động riêng biệt nhằm điều hành tổ chức một cách hiệu quả để đạt được các mục tiêu và kết quả mong muốn. Theo đó, quản trị được chia thành bốn chức năng chính: hoạch định, tổ chức, điều khiển và kiểm soát.
4 chức năng của quản trị kinh doanh
Như đã kể trên, quản trị bao gồm 4 chức năng chính: hoạch định, tổ chức, điều khiển và kiểm soát. Nội dung chi tiết của từng chức năng được trình bày cụ thể như sau:
Chức năng hoạch định
Chức năng đầu tiên trong bốn chức năng của quản trị kinh doanh là hoạch định. Chức năng này đề cập đến việc các nhà quản trị cần xác định mục tiêu của tổ chức, xây dựng chiến lược và phương pháp quản trị để điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Chức năng hoạch định cho phép nhà quản trị đưa ra các chiến lược và kế hoạch bổ sung nhằm đạt được mục tiêu chung của tổ chức.
Chức năng hoạch định có các vai trò chính như sau:
- Đánh giá thực trạng tổ chức và các nguồn lực hiện có bao gồm nhân lực, ngân sách và vật lực.
- Xác định mục tiêu lâu dài của tổ chức như tăng lợi nhuận, tăng doanh thu hoặc mở rộng số lượng nhân viên.
- Xây dựng chiến lược hoạt động cần thiết để đạt được mục tiêu trong từng giai đoạn cụ thể.
>>>Xem thêm: chương trình đào tạo quản trị kinh doanh tại trường cao đẳng Cộng Đồng Hà Nội
Chức năng tổ chức
Chức năng tổ chức liên quan đến việc người quản lý xác định công việc cần thực hiện, phân công người chịu trách nhiệm và xây dựng cơ cấu tổ chức hợp lý. Trong bốn chức năng quản trị, chức năng tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Các yếu tố quan trọng trong chức năng tổ chức bao gồm:
- Xây dựng môi trường nội bộ: Tạo ra một môi trường làm việc nội bộ trong công ty để đạt được mục tiêu.
- Xây dựng mô hình quản lý: Thiết lập cơ cấu tổ chức và phân quyền cho các bộ phận, cá nhân phù hợp với nhiệm vụ công việc.
- Truyền đạt thông tin: Đưa ra các chỉ thị, mệnh lệnh cần thiết để thực hiện công việc và tiếp nhận thông tin phản hồi.
Chức năng điều khiển
Chức năng điều khiển đóng vai trò quan trọng trong quản trị, bao gồm việc hướng dẫn, lãnh đạo và định hướng hoạt động của nhân viên. Chức năng này giúp nhân viên thực hiện công việc nhanh chóng và hiệu quả, tránh tình trạng chậm trễ hoặc tồn đọng công việc. Bên cạnh đó, chức năng điều khiển còn đóng vai trò quan trọng nhất trong bốn chức năng quản trị, vì nó kích thích, động viên và phối hợp các nhân sự để đạt được các mục tiêu kế hoạch và giải quyết vấn đề.
Ví dụ, khi một doanh nghiệp đặt mục tiêu ra mắt sản phẩm mới (hoạch định) và đã sắp xếp công việc cho các bộ phận (marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng), chức năng điều khiển sẽ đảm nhận vai trò chỉ huy và điều phối các nhân sự để đạt được hiệu quả. Mục tiêu là đưa sản phẩm đến khách hàng nhanh chóng và đạt doanh số tốt.
Chức năng kiểm soát
Chức năng kiểm soát đề cập đến việc nhà quản trị cần theo dõi các hoạt động của doanh nghiệp để thu thập thông tin về kết quả thực tế và so sánh với mục tiêu đã đặt ra, từ đó tiến hành điều chỉnh nếu có sai lệch. Điều này đảm bảo rằng các công việc được thực hiện theo kế hoạch và mang lại hiệu quả cao.
Chức năng kiểm soát có thể áp dụng các hình thức khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu công việc:
-
Kiểm soát lường trước: Hình thức này đề cập đến việc đưa ra dự đoán về các sự cố có thể xảy ra trong tương lai và lập kế hoạch trước để xử lý (nếu có). Ví dụ, khi ra mắt sản phẩm mới, doanh nghiệp dự đoán phản ứng của khách hàng và xác định cách xử lý tương ứng.
-
Kiểm soát đồng thời: Hình thức này được thực hiện trong quá trình làm việc để giúp nhân viên nhận biết các trở ngại và khó khăn, từ đó đưa ra điều chỉnh ngay lập tức để tránh sai sót và ảnh hưởng đến hệ thống.
-
Kiểm soát phản hồi: Hình thức này đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra ban đầu. Từ những đánh giá này, doanh nghiệp có thể rút ra bài học và kinh nghiệm cho các hoạt động kế tiếp có thể làm tốt hơn.
Chức năng kiểm soát giúp đảm bảo sự suôn sẻ và ít sai sót hơn trong các hoạt động, đóng vai trò quan trọng là một trong bốn chức năng quản trị không thể thiếu. Điều này không chỉ áp dụng cho quản lý cấp cao mà đôi khi cả nhân viên cấp dưới cũng cần tự kiểm tra và đánh giá lại công việc của mình để tránh sai sót.
Doanh nghiệp dựa vào quản trị để tồn tại và phát triển là vô cùng quan trọng. Hy vọng những chia sẻ về bốn chức năng quản trị đã giúp các em hiểu và áp dụng chúng hiệu quả khi tham gia vào thị trường lao động sau này.